Thu 1.000 tỉ đồng tiền thuế từ các cá nhân kinh doanh trên Facebook, Google |
|
Hoàng Thắng |
|
Thứ Năm, 31/12/2020, 21:49 |
|
(TBKTSG Online) – Số thuế thu về từ các cá nhân kiếm tiền trên nền tảng Google, Facebook trong năm 2019 và 2020 là xấp xỉ 1.000 tỉ đồng, theo Tổng cục Thuế. |
Ông Đặng Ngọc Minh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho biết số thuế nêu trên đến từ hai nguồn: các cá nhân kiếm tiền trên nền tảng Google, Facebook tự kê khai thuế và nộp vào ngân sách; cơ quan thuế xác định số thuế mà các cá nhân phải nộp khi thực hiện nhiệm vụ về quản lý thuế.
“Số thuế được xác định dựa trên số liệu của Facebook, Google về các khoản tiền mà họ trả cho các cá nhân, doanh nghiệp thông qua hoạt động quảng cáo của họ”, ông Minh cho biết.
Ông cũng cho rằng số thu thuế từ hoạt động kinh doanh qua mạng sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới nhờ tốc độ phát triển nhanh của các dịch vụ kinh tế số.
Theo đó, người dân sẽ tham gia các hoạt động mua sắm và giải trí trực tuyến, thực hiện thanh toán không tiền mặt với tần suất cao hơn do chịu tác động tiêu cực từ dịch Covid-19. Còn doanh nghiệp phải thay đổi mô hình sản xuất và kinh doanh theo hướng số hóa – áp dụng công nghệ trực tuyến với sản phẩm, hoạt động tiếp xúc khách hàng – nhằm tạo nguồn doanh thu mới.
“Tôi tin Việt Nam sẽ là quốc gia đi đầu về các dịch vụ kinh tế số, từ đó tạo điều kiện phát triển hoạt động sản xuất - kinh doanh trong năm 2021. Đồng thời là tiền đề cho việc phát triển nguồn thu thời gian tới”, ông Minh kỳ vọng.
“Hai yếu tố quan trọng nhất để quản lý thuế hành lang pháp lý và sự hỗ trợ về giải pháp công nghệ. Nếu làm được thì sẽ không còn tình trạng cá nhân, tổ chức cố tình tìm cách né tránh thuế nữa vì làm như vậy không bền vững”, ông Đặng Ngọc Minh cho biết. |
Tổng cục Thuế đã chỉ đạo toàn bộ các cơ quan thuế trong hệ thống phải thành lập các tổ chuyên môn trách khảo sát các hệ thống kinh doanh trực tuyến. Đồng thời phối hợp với các đơn vị quản lý thị trường và công ty trung gian thanh toán để tìm giải pháp quản lý doanh thu từ các dịch vụ số.
Về thể chế, ông Minh cho biết Tổng cục Thuế đã đưa nhiều quy định liên quan tới quản lý số và giao dịch xuyên biên giới vào Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14. Theo đó, cơ quan này sẽ ban hành một số Thông tư hướng dẫn về trách nhiệm của các bên trong công tác quản lý thuế.
Với doanh nghiệp nước ngoài đang thực hiện cung ứng nền tảng tại Việt Nam, cơ quan thuế đã có kế hoạch làm việc với các công ty tư vấn, kiểm toán để mời các doanh nghiệp, gồm: Netflix, Amazon, Google, Youtube tới trao đổi, hướng dẫn về nghĩa vụ thuế và phương pháp quản lý thuế theo quy định mới.
“Không chỉ riêng người kinh doanh mà cả trung gian thanh toán, doanh nghiệp cung ứng nền tảng, bộ ngành có liên quan sẽ phối hợp cơ quan thuế để quản lý, tạo điều kiện cho sự phát triển của kinh tế số”, ông Minh cho biết.
Trước đó, Nghị định 126/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ 5-12-2020 đã quy định các các nhân kiếm tiền từ viết phần mềm trò chơi điện tử trực tuyến (game online – PV), ứng dụng trên máy tính và điện thoại hay đăng tải video trên các nền tảng Youtube, Facebook và có nguồn thu từ 100 triệu đồng trở lên đều phải kê khai, nộp thuế.
Về phía các ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp thông tin giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản, số liệu giao dịch của khách hàng - theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế - nhằm phục vụ mục đích thanh tra, xác định nghĩa vụ thuế phải nộp.
Các cá nhân trốn thuế sẽ bị xử phạt hành chính, thậm chí có thể chuyển sang truy tố hình sự khi trốn nộp số thuế lớn.
Ông Đặng Ngọc Minh cho biết, cơ quan thuế sẽ phối hợp với các ngân hàng để truy xuất dòng tiền thu nhập bất thường của các cá nhân, doanh nghiệp trên các mạng xã hội như YouTube, nếu họ không tự giác kê khai thuế hoặc chây ì, cố tình không nộp thuế.
Số thuế thu từ hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới hiện tập trung chủ yếu ở ba nguồn, gồm: Bán hàng qua mạng xã hội; Viết ứng dụng trò chơi, quảng cáo qua Facebook, YouTube; Cho thuê nhà, căn hộ qua các trang mạng điện tử như Agoda, Booking.com, theo Tổng cục Thuế. |