Thuế cổ tức bằng cổ phiếu
Điều này được hiểu đơn giản, là với cổ phiếu có thị giá trên 10.000 đồng/cp, thì mức thuế thu nhập cá nhân phải nộp bằng 5% nhân với số cổ phiếu được nhận thêm nhân với 10.000 đồng; còn nếu thị giá giao dịch dưới 10.000 đồng/cp, thì mức thuế thu nhập cá nhân phải nộp bằng 5% nhân số cổ phiếu nhân với thị giá tại thời điểm chuyển nhượng.
Một nhà đầu tư cá nhân bất ngờ nhận được giấy triệu tập của Cục thuế TP.HCM về việc chậm nộp thuế thu nhập cá nhân do phát sinh khoản cổ tức bằng cổ phiếu từ năm 2016. Nhà đầu tư này giữ đến cuối năm 2018 mới bán và đến đầu năm 2020 nhận được yêu cầu của Cục thuế liên quan đến thu nhập về chuyển nhượng cổ phiếu cho giai đoạn từ 2016 đến năm 2019. Vậy căn cứ của câu chuyện này là như thế nào?
Chúng tôi đã liên hệ với Giám đốc Luật của một CTCK lớn và một lãnh đạo của ngành chứng khoán về khoản thuế thu nhập cá nhân liên quan đến nhận cổ tức/cổ phiếu thưởng bằng cổ phiếu và đều nhận được câu trả lời là Luật đã quy định như vậy, nhưng từ trước tới nay việc truy thu là rất khó.
Căn cứ pháp lý
Có 3 văn bản quy định về việc đóng thuế cổ tức do Bộ Tài chính ban hành, đó là Thông tư số 111/2013/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân, Thông tư số 156/2013/TT-BTC hướng dẫn thi hành một số điều của Luật quản lý thuế, Thông tư số 92/2015/TT-BTC hướng dẫn thực hiện thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân cư trú có hoạt động kinh doanh.
Theo quy định, các nhà đầu tư chứng khoán khi nhận cổ tức sẽ bị đánh thuế thu nhập cá nhân 5%. Từ trước tới nay, đối với cổ tức bằng tiền thì thuế được khấu trừ ngay tại nguồn (đánh thuế 5% cổ tức bằng tiền), nhưng đối với cổ tức bằng cổ phiếu, luật quy định cá nhân phải khai và nộp thuế khi bán số cổ tức được nhận, chậm nhất là ngày thứ 10 (mười) kể từ ngày chuyển nhượng vốn, rút vốn, giải thể doanh nghiệp.
Trong trường hợp của nhà đầu tư cá nhân được đề cập ở trên, anh này được nhận cổ tức bằng cổ phiếu vào năm 2016 nhưng nắm giữ tới cuối năm 2018 mới bán. Nên năm 2016, 2017 không phát sinh thuế, đến năm 2019 khi hạch toán thuế thu nhập cá nhân 2019 mới phát sinh khoản thuế từ cổ tức bằng cổ phiếu.
Khoản d, Điều 11 Thông tư số 111/2013/TT-BTC cũng quy định, "Căn cứ để xác định số thuế thu nhập cá nhân phải nộp đối với thu nhập từ đầu tư vốn là giá trị cổ tức ghi trên sổ sách kế toán hoặc số lượng cổ phiếu thực nhận nhân (×) với mệnh giá của cổ phiếu đó và thuế suất thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ đầu tư vốn.
Trường hợp giá chuyển nhượng cổ phiếu nhận thay cổ tức thấp hơn mệnh giá thì tính thuế thu nhập cá nhân đối với hoạt động đầu tư vốn theo giá thị trường tại thời điểm chuyển nhượng.
Sau khi nhận cổ tức bằng cổ phiếu, nếu cá nhân có chuyển nhượng cổ phiếu cùng loại thì khai và nộp thuế thu nhập cá nhân đối với cổ tức nhận bằng cổ phiếu cho tới khi hết số cổ phiếu nhận thay cổ tức".
Cách tính thuế thu nhập từ cổ tức bằng cổ phiếu quy định tại Thông tư 111/2013/TT-BTC
Thuế chồng thuế?
Chia sẻ với người viết, lãnh đạo trong ngành chứng khoán cho rằng rất khó để tận thu đối với thuế từ cổ tức bằng cổ phiếu. Bởi nhà đầu tư sẽ chỉ bị tính thuế khi bán cổ phiếu, mà thời gian bán thì không xác định, có nhà đầu tư về bán luôn, có nhà đầu tư nắm giữ 5-10 năm mới bán, khi đó thì họ không thể nhớ nổi số cổ phiếu này là được thưởng hay mua thêm…Điều này cũng gây ra sự bất cập trong việc quản lý của cơ quan thuế, tức là chỉ "nắm người có tóc", các tài khoản to "nhìn thấy thì thu", trong khi các tài khoản nhỏ không thể quản lý nổi.
Một điều nữa, chưa kể các trường hợp đứng tên hộ, với các nhà đầu tư chứng khoán đôi khi địa chỉ trong hệ thống lưu ký theo địa chỉ hộ khẩu, cục thuế nào sẽ truy thu? Dữ liệu giao dịch của cả hệ thống thị trường chứng khoán do Trung tâm lưu ký quản lý, cơ quan quản lý thuế sẽ theo dõi việc mua bán của nhà đầu tư như thế nào cũng là một dấu hỏi, bởi dữ liệu giao dịch hàng tỷ lệnh, hàng nghìn công ty trong khi từ trước đến nay việc nộp thuế cổ tức bằng cổ phiếu đều dựa vào tính "tự giác khai báo" chứ không quy định một cơ quan nào quản lý.
Từ trước tới nay việc thu thuế từ đầu tư chứng khoán được đại đa số nhà đầu tư mặc định đã được tính bằng 0,1% giá trị chuyển nhượng chứng khoán từng lần. Đồng thời tại ngày giao dịch không hưởng quyền chia cổ tức/thưởng bằng cổ phiếu, thị giá cổ phiếu đã bị điều chỉnh giá tương ứng. Căn cứ theo Luật hiện hành, đối với cổ tức bằng cổ phiếu, nhà đầu tư bị đánh thuế tận 2 lần. Trong trường hợp thị giá cổ phiếu không tăng, việc nhận cổ tức bằng cổ phiếu sẽ khiến nhà đầu tư chỉ thấy lỗ chứ không có lợi. Gây ra tâm lý bài xích cổ phiếu thưởng, cổ tức bằng cổ phiếu, ảnh hưởng đến quá trình tăng vốn của doanh nghiệp.
Chính sách thuế là phải công bằng, không thể nhìn thấy tài khoản to thì thu, trong khi các tài khoản nhỏ thì bỏ qua, và phạt mang tính răn đe đại diện. Do đó, cơ quan chức năng cần có cơ chế thu thuế thu nhập cá nhân trên cổ tức/ thưởng bằng cổ phiếu linh hoạt hơn, phù hợp hơn để một mặt không gây thất thu cho ngân sách nhưng mặt khác có những chính sách hỗ trợ thị trường chứng khoán phát triển bền vững.
Châu CaoTheo Nhịp sống kinh tế